Đồng Hữu Cảnh - 22/10/2019
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng.
Theo khảo sát của Công ty Reed Tradex (Thái Lan), ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài đã thiết lập nhiều nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam. Điều đó chứng tỏ họ kỳ vọng vào việc cắt giảm chi phí vận chuyển và rủi ro, vì thế nó sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà cung cấp phụ tùng trong nước phát triển sản xuất.
Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn yếu và cần những chính sách phù hợp để phát triển.
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm, nên phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất nhiều khi còn manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao.
Trong thời gian qua, nhà nước cũng đã có định hướng ưu đãi cho các doanh nghiệp hỗ trợ tuy nhiên những ưu đãi này chưa rõ ràng và đang dưới hình thức cào bằng. Đối tượng được hưởng nhiều ưu đãi nhất lại không phải là doanh nghiệp nội mà chiếm tới 70% là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong giai đoạn đầu của chính sách thu hút đầu tư nước ngoài với bối cảnh Việt nam chưa gia nhập WTO, AFTA chính sách bảo hộ mậu dịch còn lớn, khi đó các doanh nghiệp nước ngoài với mục tiêu nhắm tới là mở rộng thị trường tại Việt nam nên chỉ đầu tư vào lắp ráp sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước với số vốn không lớn chỉ cần từ vài đến vài chục triệu USD và thời gian cũng không dài, từ 10 đến 15 năm với hình thức liên doanh để hưởng các ưu đãi về bảo vệ sản xuất của Việt Nam. Hệ quả là hầu như không có doanh nghiệp có vốn nước ngoài nào đầu tư thực sự cho công nghệ cao hoặc chuyển giao công nghệ nên chúng ta chỉ thu được một số kinh nghiệm về tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng.
Tuy nhiên với tình hình hiện nay, sau khi Việt nam đã gia nhập WTO, AFTA. những doanh nghiệp FDI còn trụ lại hoặc đầu tư mới, họ thực sự mong muốn tìm cơ hội đầu tư lâu dài và hợp tác với Việt nam, nhưng lại gặp phải những trở lực rất lớn đó là ngành công nghiệp phụ trợ của Việt nam quá yếu và mong manh dẫn đến mặc dù các doanh nghiệp FDI này đầu tư vào Việt nam nhưng vẫn phải nhập khẩu vật tư linh kiện từ nước ngoài đồng thời phải kéo theo những nhà lắp ráp, sản xuất bán thành phẩm cho họ từ chính quốc sang điều này dẫn đến giá trị gia tăng do các công ty Việt nam tạo ra không đáng là bao.
Với tình hình lạm phát hiện nay, chi phí về nhân công của Việt Nam dần dần không rẻ, đó không còn là lợi thế nổi trội của ta nữa. Ngoài ra, dựa vào kinh nghiệm và quá trình vận hành trong suốt những năm qua, chúng tôi nhận thấy, kĩ năng thực tế của ngay cả kĩ sư tốt nghiệp trong các trường học kĩ thuật tại Việt Nam còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đến nay, đã có khoảng 500 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cho ngành sản xuất ô tô, xe máy, điện tử. Hầu hết nguyên vật liệu cho công nghiệp chế tạo phải nhập khẩu.
Thực tế, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số ngành trọng điểm như ôtô là 20-30%, da giày, dệt may là trên 10%.... Điều này dẫn đến hệ quả là là giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của DN kém…
Nguyên phụ liệu trong nước chỉ co cụm ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp trong nước chưa thể đáp ứng được chất lượng cho các đơn hàng xuất khẩu. Số doanh nghiệp Việt Nam làm CNHT rất ít. Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, bán sản phẩm hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn quốc đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan, cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam với một tỉ trọng ít ỏi.
Vẫn đang còn khoảng cách tiêu chuẩn chất lượng khá lớn giữa các nhà cung cấp linh kiện trong và ngoài nước.
Quy định tại Thông tư 14/2012/TT-NHNN về việc hỗ trợ lãi vay 15%/năm đối với doanh nghiệp phát triển CNHT cho thấy, Nhà nước thực sự quan tâm và muốn phát triển ngành công nghiệp này, song thực tế hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất hàng phụ trợ của Việt Nam còn quá yếu, do đó, rất khó để có thể tiếp cận được nguồn vốn này.
Đáng chú ý là, đang có nghịch lý trong chính sách, gây cản trở việc phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước. Đó là, doanh nghiệp xuất khẩu mua nguyên phụ liệu từ các nhà sản xuất trong nước phải đóng trước khoản thuế VAT 10%, sau đó khi họ xuất khẩu thành phẩm thì mới được thực hiện khấu trừ. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, mà nhập khẩu vật tư phụ liệu thì không phải đóng trước thuế VAT và sẽ được Nhà nước cho thiếu trong vòng 90 ngày, sau đó tính theo hình thức tạm nhập tái xuất, tức doanh nghiệp không phải đóng khoản thuế này.
Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô
Ngành sản xuất lắp ráp ô tô được kỳ vọng với nhiều chính sách ưu đãi phát triển nhưng đến nay tỉ lệ nội địa hóa vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng trên dưới 10% đối với xe con, do dung lượng thị trường thấp nên không thu hút được doanh nghiệp sản xuất phụ tùng tham gia chuỗi cung ứng.
Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM), với sự góp mặt của các nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới, sau gần 2 thập niên hoạt động, đến nay tỷ lệ nội địa hóa mới đạt từ 5- 20%. Số lượng các nhà cung cấp chỉ là con số lẻ so với Thái Lan. Những phụ tùng và linh kiện đơn giản được nội địa hóa là săm, lốp, dây điện, ghế ngồi, bàn đạp, chân ga, chân phanh và ăng ten cho radio trong xe. Hầu hết các bộ phận đều phải nhập khẩu, từ động cơ đến các vật liệu, chi tiết đơn giản khác như vải bạt, da, mút, ốc vít…
Công nghiệp ô tô được hoạch định và kỳ vọng rất lớn đến năm 2010 đạt tỷ lệ nội địa hóa cao (40-60%), tự chủ công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước (60-80%), hướng tới xuất khẩu ô tô và phụ tùng.
Tuy nhiên hầu hết các chỉ tiêu đều không đạt được, đặc biệt đối với dòng xe con và xe chuyên dùng (tỷ lệ hiện tại dưới 25%). Các chi tiết linh kiện phụ tùng có hàm lượng kỹ thuật cao như động cơ, hộp số đều chưa thể sản xuất trong nước. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường ô tô chưa được mở ra như mong đợi, sản lượng thấp nên khó có thể đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ.
Công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ đứng trước thử thách nghiệt ngã khi Việt Nam thực hiện cam kết trong AFTA về lộ trình giảm thuế vào năm 2018. Nếu không có các đột phá về chính sách thì rất dễ hình dung “hình hài” của ngành công nghiệp ôtô như thế nào sau giai đoạn này.
Trong 11 tháng đầu năm 2012, nhập khẩu nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng các loại lên tới 4,15 tỷ USD, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước.
Công nghiệp hỗ trợ ngành xe máy
Việt Nam là quốc gia có lượng phương tiện giao thông chiếm tới 90% là xe máy. Dự báo đến năm 2015 lượng xe máy lưu hành trong cả nước sẽ khoảng 31 triệu xe và đến năm 2020 khoảng 33 triệu chiếc. Chính vì vậy, số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản xuất và lắp ráp xe máy cũng khá đông, khoảng gần 60 doanh nghiệp, trong đó có những tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Italia, Đài Loan. Theo Bộ Công thương, tới cuối năm 2012 này, tổng công suất sản xuất và lắp ráp xe máy của Việt Nam sẽ đạt mức khoảng 5 triệu xe/năm.
Từ chỗ phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài, ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp xe máy của Việt Nam đã có thể tự sản xuất được khoảng 70% các loại linh kiện, phụ tùng, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xe máy sản xuất tại Việt Nam. Tuy vậy, giá thành các linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước còn cao, chất lượng không ổn định.
Nổi lên trong làng công nghiệp hỗ trợ xe máy là doanh nghiệp Mạnh Quang, chuyên sản xuất nhông, đĩa, xích, phụ tùng xe máy các loại, chiếm gần 20% thị phần cung cấp sản phẩm cho các công ty sản xuất và lắp ráp xe máy trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trở thành đối tác lớn chuyên cung cấp phụ tùng xe máy cho các hãng lớn như Honda, SYM, SuFat, Detech, Lifan...
Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo
Số liệu thống kê gần đây cho thấy, khoảng 80% giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam dành cho nguyên liệu đầu vào, thiết bị và máy móc phục vụ sản xuất trong nước
Đặc biệt, ngành cơ khí chế tạo- xương sống cho một nền công nghiệp phát triển- cũng chưa có sự chuyển biến tích cực nếu không muốn nói là đã quá tụt hậu so với sự phát triển chung của thế giới. Các công nghệ tạo phôi, nhiệt luyện hay gia công kim loại của ngành cơ khí đều quá lạc hậu, sản phẩm làm ra chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thị trường.
Công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản, lạc hậu, trình độ tụt hậu khoảng 2-3 thế hệ so với khu vực. Thiết bị phần lớn là vạn năng, qua nhiều năm sử dụng đã lạc hậu về tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu chú ý bảo dưỡng định kỳ, thiếu vốn để đầu tư thay thế, đổi mới, nâng cấp. Khâu tạo phôi – một khâu rất quan trọng trong công nghiệp cơ khí, các cơ sở sản xuất vấn sử dụng chủ yếu công nghệ đúc bằng khuôn cát, chất lượng vật đúc thấp, tỉ lệ chế phẩm cao.
Cơ khí Việt Nam chưa có kinh nghiệm đúc chính xác cao, chưa đúc được những mác thép có chất lượng và độ bền cao. Công nghệ chế tạo phôi bằng phương pháp biến dạng dẻo kim loại ở trạng thái nóng (cán, rèn dập) cũng còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Khâu nhiệt luyện và xử lý chất lượng bề mặt các sản phẩm cơ khí còn yếu đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng của các chi tiết thành phẩm.
Ngành Công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực chế tạo máy Việt Nam đang có một lỗ hổng rất lớn ở “chân móng”. Các sản phẩm thép xây dựng được đầu tư sản xuất ồ ạt để đáp ứng một thị trường xây dựng đang phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó ngành thép chế tạo chưa hề có mặt tại Việt Nam khi không nhìn ra được hiệu quả đầu tư.
Lĩnh vực công nghiệp chế tạo giàn khoan dầu khí lại gặp nhiều vướng mắc trong công tác nội địa hóa. Việc kết hợp trong công tác nội địa hóa còn thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp cơ khí trong nước dẫn đến sự thiếu thông tin kịp thời và cụ thể cho việc cung cấp các sản phẩm.
Các sản phẩm hiện có của các doanh nghiệp trong nước hầu như chưa phù hợp với môi trường biển, dầu khí dễ cháy nổ, đòi hỏi độ tin cậy cao và nghiêm ngặt về các chỉ tiêu kỹ thuật theo các yêu cầu của cơ quan kiểm định, đăng kiểm quốc tế.
Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2012 đạt14,68 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ 2011, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 5,09 tỷ USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ.
Tiềm năng của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các ngành có tiềm năng xuất khẩu cũng như có chỗ đứng khi mức sống của người dân tăng lên như hóa dầu, chế biến nông sản xuất khẩu, kinh tế biển, công nghệ thông tin, ôtô…
Và để phát triển công nghiệp phụ trợ, cần một lộ trình và cần phát triển 4 yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực, công nghệ, tài chính và hệ thống phân phối.
Cần tạo dựng khung khổ pháp lý hoàn chỉnh thuận lợi để phục vụ ngành cũng như doanh nghiệp tham gia vào công nghiệp hỗ trợ. Cần có các văn bản quy định về phẩm cấp kỹ thuật, đăng ký ngành nghề, thay đổi về hải quan, về chính sách thuế... Cần xây dựng Luật phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử… để đưa ra các biện pháp tổng hợp, có hệ thống và quy trình cụ thể như phát triển kỹ thuật, đào tạo nhân lực, hỗ trợ tài chính, bảo đảm vị trí, khai thác thị trường…
Chính phủ cần có các ưu đãi về tài chính, về đất đai hạ tầng, về đầu tư, về nguồn nhân lực, rồi chính sách khuyến khích thành lập các DN sản xuất công ngiệp hỗ trợ, xây dựng các quỹ đặc thù riêng cho công nghiệp hỗ trợ, hình thành tổ chức đầu mối để thực hiện sự quản lý Nhà nước dẫn dắt liên kết các DN làm công nghiệp hỗ trợ, phân xử các tranh chấp hợp đồng cung ứng, xây dựng ban hành cơ sở dữ liệu đầy đủ về công nghiệp hỗ trợ...
Nhân lực là vấn đề sống còn cho phát triển bất cứ một ngành nào, vì vậy để phát triển công nghiệp phụ trợ, cần phải xây dựng được một đội ngũ kỹ sư lành nghề, có khả năng sản xuất nguyên phụ liệu hoặc nghiên cứu công nghệ để đưa công nghiệp phụ trợ phát triển. Nên áp dụng những biện pháp khuyến khích đào tạo và học tập ngành công nghiệp phụ trợ như đưa ra những chính sách khen thưởng, chứng chỉ cho các cá nhân có quá trình học tập tốt, có tay nghề cao. Chứng chỉ này sẽ giúp công nhân, kỹ sư được nâng lương hoặc nâng cao vị trí trong công ty.
Về vốn, có thể sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng một quỹ tài chính đảm bảo cho việc phát triển công nghiệp phụ trợ của những ngành đã được chỉ định. Việc chỉ định các ngành cần phát triển là việc chỉ rõ các phạm vi ưu tiên để có nguồn ngân sách cụ thể, minh bạch. Minh bạch được khâu này cũng sẽ giúp các DN thu hút đầu tư. Cần thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước vào lĩnh vực này; sự liên kết giữa các địa phương, khu vực.
Việc tăng nhu cầu nội địa là một trong những việc quan trọng nhất nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, để đảm bảo có thể thu được lợi nhuận cao nhất cũng như xây dựng được một thị trường nội địa phát triển thì cần quan tâm đến hệ thống phân phối. Hệ thống phân phối có thể cung cấp đầy đủ, dễ dàng những nhu cầu về linh kiện cho những DN có nhu cầu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ.
Về công nghệ, vai trò của Chính phủ trong việc vấn đề này là yếu tố quan trọng.
Danh mục các sản phẩm ưu tiên phát triển
Tháng 11-2012, Thủ tướng quyết định ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành ngành dệt may, da giầy, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo và các sản phẩm hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.
Trong ngành dệt may, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển gồm xơ thiên nhiên như bông, đay, gai, tơ tằm và xơ tổng hợp. Vải, hóa chất, chất trợ, thuốc nhuộm, phụ liệu ngành may như cúc, khóa kéo, băng chung cũng được ưu tiên.
6 sản phẩm được ưu tiên phát triển của ngành da giầy như da thuộc, vải giả da, đế giầy, hóa chất thuộc da, da muối và chỉ may giầy.
Các sản phẩm như linh kiện điện tử, quang điện tử cơ bản; linh kiện thạch anh; vi mạch điện tử; pin dùng cho máy vi tính xách tay, điện thoại di động... cũng thuộc diện được ưu tiên phát triển.
Ngành sản xuất lắp ráp ôtô được Thủ tướng ưu tiên phát triển các lĩnh vực động cơ và chi tiết động cơ; hệ thống lái; hệ thống phanh; bánh xe; linh kiện nhựa cho ôtô.
Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành cơ khí chế tạo như khuôn mẫu, đồ gá dụng cụ - dao cắt thép chế tạo... cũng thuộc danh mục được ưu tiên.
Trong ngành công nghệ cao, các cụm linh kiện, phụ tùng cho hệ thống thiết bị sản xuất điện năng từ năng lượng mới và năng lượng tái tạo; các loại chi tiết nhựa chất lượng cao cũng là những sản phẩm được ưu tiên phát triển.
Các sảm phẩm được ưu tiên phát triển sẽ được xem xét áp dụng cơ chế ưu đãi. Chủ đầu tư xây dựng dự án theo quy định hiện hành, trong đó đề xuất cụ thể các cơ chế ưu đãi thích hợp, trình Hội đồng thẩm định dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định.
Đoàn Trần/www.htpc.gov.vn
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: