VÌ SAO CÔNG NGHIỆP PHỤ TRỢ Ở VIỆT NAM CHƯA PHÁT TRIỂN?

Từ Nhật Bản, ông Đỗ Mạnh Hồng, công tác tại Đại học Obirin (Tokyo, Nhật Bản) đã trả lời bạn đọc buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề nêu trên. Là người đã và đang nghiên cứu đề tài này nhiều năm nay, ông Hồng đã phần nào giải tỏa được những thắc mắc của bạn đọc.

Trước buổi giao lưu, ông Đỗ Mạnh Hồng đã có một vài ý muốn cùng trao đổi với bạn đọc, tòa soạn xin trích đăng như sau:

Tôi hy vọng rằng cuộc trao đổi của chúng ta đạt hai mục đích:

1) Giải đáp những câu hỏi cụ thể mà các bạn đặt ra.

2) Truyền đạt được những ý kiến đóng góp thiết thực tới những người có trách nhiệm liên quan tới việc hoạch định và thực thi chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế tạo linh kiện bộ phận.

Trước khi bắt đầu buổi giao lưu, tôi xin được giải thích qua về khái niệm supporting industries, vì đây là một thuật ngữ trung tâm của cuộc trao đổi nên chúng ta cần có một cái nhìn thống nhất với nhau về khái niệm này.

“Supporting Industries” thực ra là một khái niệm mới xuất hiện ở Đông Á, cùng với trào lưu đầu tư trực tiếp (chủ yếu là hoạt động lắp ráp – assembly plants) của Nhật vào các nước ASEAN (đặc biệt là Thailand, Malaysia và Indonesia) giữa thập kỷ 80, và chỉ được dùng phổ biến (ở Đông Á) từ đầu thập kỷ 90.

Như vậy “supporting industries” là một khái niệm đối xứng với “assembly industries”. Một bên là “công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện” và một bên là “công nghiệp lắp ráp”. Bản thân cụm từ “Supporting Industries” được dịch trực tiếp từ thuật ngữ gốc trong tiếng Nhật là “Suso-no San-gyou” (suso-no nghĩa là chân núi, san-gyou là công nghiệp).

Nếu hình dung cấu trúc toàn bộ qui trình sản xuất một sản phẩm như một quả núi (hay đơn giản là một hình tam giác), thì các ngành công nghiệp Susono đóng vai trò chân núi, còn “công nghiệp lắp ráp” đóng vai trò đỉnh núi. Chân núi là những ngành sử dụng tất cả các kỹ thuật gia công cơ bản (đúc, dập, gò, hàn, cắt gọt, khoan đột, uốn kéo, cán ép, tạo hình, dệt lưới, in ấn bao bì...) gia công các loại vật liệu từ các loại kim loại, tới cao su, nhựa, gốm, gỗ và các loại vật liệu tổng hợp khác, nhằm chế tạo ra các linh kiện, phụ tùng phục vụ lắp ráp.

Supporting Industries ở đây được hiểu không bao hàm chế tạo vật liệu cơ bản (như các loại sắt thép, nguyên vật liệu thô). Quan hệ giữa các ngành sản xuất linh kiện bộ phận và các ngành lắp ráp có thể được mô tả như hình bên. Cùng một phần chân núi (sản xuất phụ tùng linh kiện) muốn sản xuất sản phẩm gì, chỉ cần thay đổi phần đỉnh (lắp ráp). Với cách hiểu này, “supporting industries” bao trùm nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng phục vụ sản xuất ô tô, xe máy mà vô số các loại sản phẩm cơ khí điện điện tử khác.

Định nghĩa này cũng nói lên tầm quan trọng của supporting industries: không có chúng, công nghiệp lắp ráp sẽ không thể tồn tại. Sau đây chúng ta sẽ trao đổi với nhau trên cơ sở định nghĩa về supporting industries như tôi vừa trình bày ở đây.

Cũng từ tầm quan trọng của Supporting Industries, khi chuyển dịch sang tiếng Việt tôi không muốn dùng thuật ngữ “công nghiệp phụ trợ”, vì nó tạo cho người nghe có cảm giác đó không phải là những ngành công nghiệp chính (mà người ta thường ngầm định như ô tô, xe máy, sắt thép...), mà chính xác hơn ta nên gọi là các ngành công nghiệp chế tạo linh kiện bộ phận. Tuy nhiên, trong buổi trao đổi hôm nay, để ngắn gọn chúng ta thống nhất gọi chúng là SI.

Dưới đây là nội dung buổi giao lưu:

Dao Ngoc Tien: Chính phủ không thể phát triển công nghiệp phụ trợ thay cho doanh nghiệp, nhưng cũng cần có những chính sách để định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ. Theo ông, trong điều kiện Việt Nam, những chính sách nào nên được đưa ra?

Ông Đỗ Mạnh Hồng: Tôi đã có câu trả lời mang tính gợi ý. Tuy nhiên, để lên chính sách cụ thể cần tổ chức điều tra trên diện rộng, nắm bắt thực chất năng lực của các doanh nghiệp ta ở mức độ nào, từ đó mới có những liều thuốc bổ cụ thể để giúp chúng phát triển. Đây phải là công việc của những chuyên gia hoạch định chính sách. Nếu có cơ hội hợp tác tôi sẽ sẵn sàng tham gia.

Trước nay chúng tôi nghiên cứu nhưng trên phướng diện học thuật là chủ yếu nên chỉ có thể đưa ra những gợi ý mang tính chính sách, không thể đưa ra bản thân nội dung cụ thể của từng chính sách.

Nguyen Hoang Tung:

1. Gần đây một số nước, đặc biệt là Nhật Bản ngỏ ý sang giúp đỡ Việt Nam trong việc phát triển SI. Thủ tướng cũng đã phê duyệt dự án hỗ trợ của Nhật Bản vào tháng 7/2008. Theo ông Việt Nam có thể tận dụng được những điểm mạnh gì của Nhật trong việc phát triển SI?

2. Hiện nay Việt Nam đang nằm trong giai đoạn chuyển giao từ nhóm các nước có thu nhập thấp sang nhóm các nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, do tình trạng suy thoái kinh tế toàn thế giới hiện nay, giai đoạn này có thể kéo dài lâu hơn dự kiến. Theo ông, điều đó có mức độ ảnh hưởng thế nào đến các kế hoạch phát triển SI trong giai đoạn trước mắt (từ nay đến năm 2020)?

3. Malaysia được biết đến như là một đất nước thành công trong việc phát triển SI tại Đông Nam Á, có một số ý kiến cho rằng nếu Việt Nam muốn thành công như Malaysia thì phải mở rộng và tăng vốn đầu tư FDI cho SI. Ông nhận định thế nào về ý kiến kể trên?

Ông Đỗ Mạnh Hồng: 1. Kinh nghiệm của Nhật, của các doanh nghiệp Nhật quí và chúng ta có thể học được không phải là công nghệ họ mang tới (vì thường công nghệ Nhật sử dụng ở một cung bậc cao, tạo ra những sản phẩm giá thành đắt phục vụ thị trường riêng), mà cái thiết thực hơn là khả năng tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Chừng nào chúng ta không hiểu được, giúp đỡ chỉ là sự ủng hộ support, còn phát triển được hay không là phải tự ta suy nghĩ, tìm đường đi và  hành động, thì có bao nhiêu sự giúp đỡ cũng không phát triển được. Nói về chuyện những dự án hỗ trợ nước ngoài thông qua chính phủ, nếu nội dung những dự án đó không được công khai thông tin, và triển khai minh bạch thì khó đạt hiệu quả.

2. Suy thoái kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng trực tiếp tới công nghiệp xe hơi, điện điện tử, xây dựng dân dụng, và kéo theo là những ngành sản xuất máy móc, vật liệu phụ tùng trung gian cho các ngành đó. Những doanh nghiệp SI Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí điện nên suy nghĩ vào nhu cầu nội địa của các ngành xây dựng dân dụng, máy móc dụng cụ sản xuất (có yêu cầu về mức độ phức tạp công nghệ thấp). Lợi dụng lúc này các doanh nghiệp SI nước ngoài đang khó khăn, và họ cũng chưa len vào thị trường nội địa. Đây là một thời cơ. Chỉ có điều cung cấp cho thị trường nội địa thì margin không thể cao. Cần nhẫn nại để lấy kinh nghiệm nâng cao năng lực của mình, chuẩn bị sức chiến đấu trong dài hạn.

3. Tôi đã trả lời ở một câu nào đó. Cần thu hút nhiều loại hình doanh nghiệp nước ngoài, nhiều trình độ công nghệ không chỉ chú trọng bậc cao nhất mà phải cả các bậc vừa phải, có khoảng cách công nghệ với doanh nghiệp nước nhà không quá xa.

Minh Giang: Cho tôi được hỏi là phải chăng bây giờ Việt Nam mới thấy được tầm quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ vì gần đây ngày càng có nhiều hội thảo bàn về chủ đề này. Vậy theo ông những điều kiện cần và đủ để ngành công nghiệp này phát triển mạnh và bền vững tại Việt Nam?

Ông Đỗ Mạnh Hồng: Không phải bây giờ Việt Nam mới thấy. Một số tổ chức của Nhật đã đặt vấn đề này với Việt Nam từ lâu cách đây cũng đã hơn 10 năm (sau khi họ tổ chức điều tra và giúp Thái, Malaysia..., họ cũng đã làm tương tự ở Việt Nam), nhưng bản thân chúng ta chưa có lãnh đạo nghe, hiểu và chuyên tâm vào vấn đề này (hoặc giả có người hiểu thì không có quyền quyết định, rồi cũng có trường hợp hiểu nhưng sắp về hưu hay chuyển công tác...). Tình hình này hiện nay theo tôi cảm nhận cũng chưa cải thiện nhiều.

Để phát triển được bền vững vấn đề quan trọng là tự ta phải đi tìm con đường cho ta thôi, những lời khuyên cố vấn bên ngoài bao giờ cũng kèm theo ý đồ của họ.

Dao Ngoc Tien: Kinh nghiệm của Nhật Bản thì chính phủ có những chính sách gì để phát triển công nghiệp phụ trợ?

Ông Đỗ Mạnh Hồng: Công nghiệp SI của Nhật phát triển theo một qui trình khác, và trong bối cảnh khác chúng ta. Họ đã phát triển theo chiến lược 100% thay thế nhập khẩu, không dùng đầu tư nước ngoài, mà chỉ mua công nghệ nước ngoài. Ban đầu những công ty nhỏ sản xuất một sản phẩm nhập khẩu (ví dụ ô tô), từ sản xuất phụ tùng đến lắp ráp hầu như họ làm tất trong một (hoặc một nhóm) công ty. Trong quá trình công ty (nhóm công ty) phát triển, qui mô lớn dần lên, công việc sản xuất các bộ phận với qui trình công nghệ riêng tách ra thành những công ty con (độc lập), hệ thống công ty con này hình thành nên một bộ phận chính của SI. Một bộ phận thứ hai là các làng nghề gia công cơ khí truyền thống. Họ có kỹ thuật gia công cơ khí, nhưng trước thời công nghiệp ô tô phát triển, họ đã chế tạo đủ thứ khác, từ dao dĩa, đến các dụng cụ, máy móc cấu tạo đơn giản nhưng cũng sử dụng những kỹ thuật cắt gọt gia công kim loại kỹ năng cao. Sau này, có các đơn đặt hàng từ các nhà chế tạo ô tô xe máy, lúc đó họ làm theo đơn đặt hàng, lâu rồi thành chuyên.

Quá trình hình thành SI của Nhật, như vậy hoàn toàn do hệ thống doanh nghiệp tư nhân phát triển, chứ không do chính phủ có chính sách đặc biệt gì riêng.

Tuy nhiên, cần để ý, bản thân các doanh nghiệp Nhật (lớn và nhỏ) đều vốn có năng lực cao. Công nghệ mua về họ có thể đồng hóa, biến thành của họ, với chất lượng mới.

Dao Ngoc Tien: Trong điều kiện Việt nam là nước đi sau, làm thế nào để có thể phát triển công nghiệp phụ trợ trong khi các nước khác đã phát triển rồi.

Ông Đỗ Mạnh Hồng: Cũng phải nói là muộn nhưng không phải là quá muộn. Là người đi sau thì phải vất vả hơn, nhưng một khi đã có khả năng đuổi kịp thì sẽ có khả năng vượt. Tôi không cho rằng Việt Nam sẽ không đuổi kịp các nước đi trước (dĩ nhiên để lên hàng top thì là một giấc mơ xa). Tôi đánh giá cao khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nếu bạn để ý, đầu tư máy móc thiết bị nhà xưởng của khối doanh nghiệp tư nhân hầu hết mới chính thức bắt đầu từ sau khi luật doanh nghiệp 2000 có hiệu lực (trước đó phần lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nói dân dã là buôn bán phi sản xuất), tức là doanh nghiệp tư nhân của ta (kể từ khi thực thụ tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh) tuổi đời còn rất trẻ, vậy nhưng đi thực tế sẽ thấy nhiều doanh nghiệp cải tiến hoạt động rất nhanh, mà nếu bạn sang Quảng Châu sẽ thấy vô số doanh nghiệp có tuổi đời hơn doanh nghiệp tư nhân ta nhưng phong cách hoạt động, qui mô cũng không bằng.

Trong lĩnh vực SI cũng vậy, ở ta cũng có những doanh nghiệp cơ khí chế tạo khuôn mẫu qui mô nhỏ, trang bị máy gia công cơ khí hiện đại (CNC, CAD, CAM) có thể gia công được những mẫu khuôn có mức độ phức tạp cao đó. Có điều là số doanh nghiệp như vậy còn ít quá. Ít đến mức nếu ông chủ của doanh nghiệp tôi đang nói tới đọc được những dòng này thì ông ấy cũng biết tôi đang giới thiệu về doanh nghiệp ông ta. Vấn đề là làm sao để có nhiều doanh nghiệp tư nhân như thế này. Để làm như vậy, nhà nước cần cởi mở tự do để động viên sức dân hơn.

Huynh Phuc Hien: Vui lòng cho biết danh mục đầu tư cho ngành công nghiệp phụ trợ hiện nay, ước tính về nhu cầu, đâu là cầu nối cho việc xúc tiến đầu tư và phát triển các ngành này?

Ông Đỗ Mạnh Hồng: Có lẽ câu hỏi này bộ Công Thương và bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ có câu trả lời chính xác cho bạn, nhưng theo tôi được biết, tại thời điểm hiện tại dù có những quyết định “phê duyệt các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn”, rồi “chiến lược phát triển công nghiệp xe máy đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”,... trong số đó có đề cập một cách chung chung là phát triển công nghiệp phụ trợ cho các ngành đó, nhưng chưa có văn bản nào đề cập một cách rõ ràng danh mục các ngành công nghiệp SI.

Cách đây chừng 2 năm, tôi cũng có được đọc bản dự thảo về “Qui hoạch tổng thể phát triển công nghiệp phụ trợ của Chính phủ”, song sau đó bản Qui hoạch đó có được thông qua hay không, hiện nay triển khai ra sao thì hoàn toàn không rõ.

Tran Quoc Thoai: Ngành dệt may là một trong những ngành cần rất nhiều nguyên phụ liệu, lại là một ngành đang được ưu tiên phát triển bởi tạo được nhiều việc làm, nhưng tình hình phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành này xem ra vẫn chưa tương xứng, bởi rất nhiều nguyên phụ liệu vẫn phải được nhập vào từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Tại sao chúng ta vẫn chưa chú trọng đúng mức đến lĩnh vực này? Những giái pháp nào để phát triển nó trong thới gian sắp tới khi nền kinh tế thế giới và trong nước bắt đầu hồi phục?

Ông Đỗ Mạnh Hồng: Tôi nghĩ chúng ta cần tách dệt ra khỏi may. Vì trong khi sản xuất may đòi hỏi nhiều lao động, thì kỹ thuật dệt ngày nay đã có mức độ tự động hóa khá cao (hơn hẳn nhiều so với may), xét về chỉ tiêu tạo việc làm như vậy cũng khiêm tốn nhiều hơn may. Dệt là ngành có hàm lượng vốn lớn. Từ trước tới nay tôi không nghĩ là Việt Nam đã từng có lợi thế so với Trung Quốc hay Thái Lan về dệt. Trong khi may thì ta đã và đang có lợi thế hơn (vì nhân công rẻ).Tôi không nói là chúng ta không có dệt. Thực tế tôi cũng đã từng đi thăm một nhà máy dệt khá lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, một chuyên gia Nhật đi khảo sát cùng tôi dịp đó đã phải trầm trồ khen các dây chuyền tự động, máy dệt tự động được đầu tư rất bài bản và qui mô. Doanh nghiệp đó thực tế cũng cạnh tranh được với hàng nhập của Trung Quốc. Điều cơ bản là Việt Nam đang có ít quá những doanh nghiệp như vậy.

Bạn hỏi “Tại sao chúng ta vẫn chưa chú trọng đúng mức đến lĩnh vực này” nhưng tôi không rõ bạn nói “chúng ta” nghĩa là ai? Có phải bạn nói “chính phủ”, người hoạch định chính sách? Nếu vậy thì tôi không đồng ý, bởi tôi nói “chính phủ” không thể làm thay doanh nghiệp, bảo rằng các doanh nghiệp mới hoạt động rằng “hãy làm dệt hay sản xuất nguyên phụ liệu dệt may đi” được.

Nguyen Thanh Trung: Đúng là từ cách gọi chưa chính xác khi dịch sang tiếng Việt (phụ trợ) đã dẫn đến cách hiểu đây là ngành công nghiệp "phụ", do đó chưa có chính sách phù hợp để phát triển lĩnh vực này. Nhưng theo ông, trong tình hình Việt Nam, có nên xây dựng một hẳn chiến lược phát triển SI không, trong khi bản thân các ngành công nghiệp nặng còn đang ì ạch, ví dụ như công nghiệp cơ khí hay chế biến thực phẩm. Vì thực tế hiện nay SI chỉ chủ yếu phục vụ cho một số doanh nghiệp sản xuất của nước ngoài tại VN trong lĩnh vực ô tô, xe máy, điện tử...

Ông Đỗ Mạnh Hồng: Có. Theo tôi cần một chiến lược phát triển SI. Tuy nhiên đừng bắt buộc cụ thể là SI phải phục vụ cho ô tô hay xe máy, điện tử thì sẽ được ưu tiên chú trọng. Các doanh nghiệp SI làm gì thì tự họ phải đi điều tra thị trường (trong và ngoài nước) rồi nghĩ ra cái và cách mà làm. Chiến lược SI chỉ cần định hướng (gợi ý) cho các doanh nghiệp nói chung là, khả năng trình độ công nghệ của anh như thế nào thì nên làm cái gì cho phù hợp.

Trước khi xây dựng chiến lược SI cần tổ chức điều tra khảo sát thực tế để nắm bắt được năng lực sản xuất, trình độ công nghệ thực của các doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả đánh giá khách quan mới đưa ra được những gợi ý về lĩnh vực hoạt động, cũng như đề ra những phương hướng, biện pháp hỗ trợ giúp các doanh nghiệp SI cải thiện nâng cao dần sức cạnh tranh (tạo ra lợi thế so sánh động).

Ngọc Anh: Thưa ông, ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển có phải chăng một phần do Việt Nam hiện không chủ động về các nguyên vật liệu đặc thù mà phải dựa vào nhập khẩu?

Ông Đỗ Mạnh Hồng: Không phải. Trong khái niệm SI tôi đưa ra không bao hàm lĩnh vực sản xuất nguyên vật liệu cơ bản, vì những ngành này đòi hỏi hàm lượng vốn, kết quả từ đầu tư hoạt động nghiên cứu phát triển mà nói chung doanh nghiệp ở các nước đang phát triển khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn ở các nước phát triển. Hiện tại nhiều doanh nghiệp Thái, hay doanh nghiệp Nhật hoạt động tại Thái, rồi doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan... vẫn phải nhập nhiều nguyên liệu đầu vào từ các doanh nghiệp Nhật.

Để có một nền SI phát triển, cần có nhiều doanh nghiệp SI có sức cạnh tranh. Mà doanh nghiệp có sức cạnh tranh không chỉ phụ thuộc vào một yếu tố độc lập nào như vốn, nguyên liệu đầu vào, máy móc, mà ngoài những thứ này ra năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh (bao gồm cả khai thác thị trường) theo tôi là một yếu tố tối quan trọng, mang tính quyết định. Ý tôi muốn nói ở đây là SI của chúng ta chưa phát triển, vì tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship) các doanh nghiệp, hoặc các cá nhân của chúng ta nói chung còn yếu.

Ngo Thu Ha: Tôi là chủ một doanh nghiệp nhỏ tại Đà nẵng, chuyên kinh doanh phụ tùng ô tô, xăm lốp,... Tôi rất muốn đi vào lãnh vực sản xuất để phát triển công ty, tôi nghe nói nhiều về công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn rất thiếu. Nhưng không biết nhu cầu của các nhà sản xuất lớn tại Việt Nam cần sản phẩm gì? Thị trường tiêu thụ ra sao, việc vay vốn và thuê mặt bằng... có được ưu đãi gì không. Muốn tìm hiểu các thông tin này thì liên hệ nơi nào để được tư vấn?

Ông Đỗ Mạnh Hồng: Tôi nghĩ bạn có thể tìm hỏi Sở Kế hoạch Đầu tư Đà Nẵng và Ban Quản lý các khu Công nghiệp Đà Nẵng để hỏi về ưu đãi, thuê mặt bằng. Còn về nhu cầu của các nhà sản xuất lớn của tại Việt Nam (về lĩnh vực sản xuất ô tô), tôi nghĩ họ cần tất cả bởi vô số loại phụ tùng linh kiện họ đang phải nhập khẩu. Nếu có hàng cung cấp được trong nước chất lượng như hàng nhập, giá cả tối thiểu là bằng, và mức độ tin cậy về khả năng cung cấp dài hạn, thì chắc chắn những nhà sản xuất lớn họ sẽ thay thế nhập khẩu bằng mua trong nước. Làm như vậy chưa cần nói chuyện thỏa mãn yêu cầu của chính phủ, mà bản thân họ có lợi hơn (nhập nước ngoài mất công liên lạc và chờ đợi chuyên chở).

Nguyen Tuan: Việt Nam không có sự đầu tư về công nghiệp phụ trợ vì nhiều lý do, trong các lý do bao gồm không có sự kết hợp về kế hoạch, lẫn hỗ trợ về vốn, kỷ thuật, và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp trong nước. Để đạt được một nền kinh tế phát triển toàn vẹn, lẫn ổn định, chính phủ và các doanh nghiệp cần hỗ trợ từ đầu tư ở cấp đại học đến môi trường phát triển, kinh doanh, như vậy thì thị trường Việt Nam sẽ từ từ có được những đột kích về chiều sâu, lẫn chiều rộng trong đầu tư công nghiệp phụ trợ. Lợi nhuận là một trong các nhân tố kích thích nhà đầu tư bỏ vốn. Vậy theo giáo sư sẽ có những ý kiến và đề nghị gì với chính phủ trong việc này?

Ông Đỗ Mạnh Hồng: Điều bạn nói đúng trong dài hạn. “Đào tạo nhân lực” (không chỉ ở cấp đại học) và “Cải tiến môi trường kinh doanh” là hai vấn đề không có điểm kết thúc (có thể có những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn cụ thể).

Nhưng để phát triển nền SI hiện nay (là vấn đề không thể chần chừ, vì tới khi chúng ta phải thực hiện những thỏa thuận về mậu dịch và đầu tư tự do của ta với các nước, lúc đó doanh nghiệp ta sẽ không còn cơ hội để cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài, ở nước ngoài và trong nước), tôi có 03 kiến nghị: 

1. Tạo một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng và tôn trọng các doanh nghiệp tư nhân đặc biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể hơn, chính sách phát triển không nên xác định bảo hộ một ngành nào, một loại đối tượng doanh nghiệp nào cụ thể (vốn nhà nước, vốn nước ngoài). Khi định ra một qui chế, chính sách nào đó, cần giải trình minh bạch công khai cơ sở khoa học, tính hợp lý của những chính sách qui chế đó. Song song với việc đưa ra chính sách cần tổ chức bộ máy thi hành hiệu quả, bộ phận kiểm tra giám sát minh bạch và công khai thông tin. Minh bạch trong sử phạt sai phạm không chỉ của các doanh nghiệp, mà cả của bản thân những người có trách nhiệm trong bộ máy quản lý nhà nước.

2. Về định hướng chính sách cần thiết kích cầu cho sự phát triển doanh nghiệp SI trong nước bằng cách tạo điều kiện cho các đối tượng này tham gia cung cấp linh kiện bộ phận cho vào lĩnh vực xây dựng phát triển hạ tầng bao gồm cả đường xá, cầu cảng, nhà ở trong nước. Muốn vậy trước hết cần phát huy nội lực (vốn, nhân lực tri thức trong nước) để phát triển các công trình hạ tầng. Trường hợp nội lực không thể mới suy nghĩ tới sử dụng những nguồn hộ trợ từ bên ngoài. Bởi sử dụng vốn hỗ trợ bên ngoài phải trả cái giá là mất đi phần việc của các doanh nghiệp trong nước. Không riêng ta, các nước đi trước như Hàn Quốc, Trung Quốc, họ chỉ dùng vốn hỗ trợ trong thời gian đầu của quá trình phát triển, sau đó, nhiều các công trình cầu đường, cao ốc hoàn toàn phát triển bằng vốn và sức các doanh nghiệp trong nước. Quá trình tham gia cung cấp và xây dựng những công trình đó đã tạo ra sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa. Điều đáng chú ý ở đây, các doanh nghiệp nội địa không có ý nghĩa là các doanh nghiệp vốn nhà nước. 

Đề nghị này của tôi ngoài việc tạo nguồn việc cho các doanh nghiệp SI, còn xuất phát từ căn cứ trình độ công nghệ sản xuất của ta hiện tại (dù với máy móc nhập) cũng thích hợp với mức chế tạo những linh kiện bộ phận phục vụ lĩnh vực xây dựng (vốn những linh kiện bộ phận này đòi hỏi độ tinh về công nghệ kỹ thuật thấp hơn những linh kiện bộ phận phục vụ ô tô, máy móc). Dĩ nhiên tôi không nói chúng ta có thể sản xuất toàn bộ các loại thiết bị chi tiết bộ phận phục vụ xây dựng, vì trong số này cũng có những chi tiết thiết bị đòi hỏi mức độ phức tạp về công nghệ và kỹ thuật cao. 

3. Điểm thứ ba tôi muốn nói tới là cần có một hiệp hội doanh nghiệp SI. Vấn đề là một tổ chức hiệp hội thực sự, tự các doanh nghiệp tập họp nhau lại và tổ chức lên. Hiệp hội doanh nghiệp này sẽ hoạt động thực sự vì doanh nghiệp, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp với nhau. Hiện nay chúng ta cũng có vô số hiệp hội doanh nghiệp, nhưng có phải là tự các doanh nghiệp tập hợp tổ chức, có hoạt động phục vụ lợi ích theo nghĩa tương tác hỗ trợ nhau nâng cao trình độ công nghệ sản xuất hay không thì còn là vấn đề. Chính phủ không phải là người đứng ra tổ chức hiệp hội này, mà chỉ việc dỡ bỏ những qui định rào cản đối với việc hình thành và hoạt động hiệp hội của các doanh nghiệp.

Nếu có được một hiệp hội thực sự từ tự thân các doanh nghiệp lập nên, hiệp hội sẽ thu thập thông tin, tổ chức những hoạt động phục vụ lợi ích các thành viên. Hiệp hội như vậy mới nắm bắt sâu sát tình hình thực tế, hiểu được những vướng mắc và giúp doanh nghiệp tổ chức kiến nghị tới các cơ quan hữu quan.

Ở Nhật có vô số các tổ chức hiệp hội, một số ít trong đó cũng là những người quen hoặc xuất thân từ quan chức nhà nước, nhưng đa số còn lại là những hiệp hội thực sự do các doanh nghiệp thành viên tự tập trung tổ chức nên. Thông qua những hiệp hội này, các doanh nghiệp ngoài việc trao đổi thông tin đầu ra, đầu vào, còn có thể trao đổi cải tiến công nghệ kỹ thuật.

Song Nguyên: Tôi nghĩ rằng một trong những vấn đề mà chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đang gặp phải đó là ôm đồm quá nhiều mục tiêu và định hướng. Từ ngành sản xuất ô tô, đóng tàu, điện tử cho đến dệt may, chế biến... đều xác định mục tiêu phát triển công nghiệp phụ trợ, mà điều này thì ai cũng hiểu là với năng lực về vốn, con người và công nghệ thì không thể đạt được cùng lúc. Ở góc nhìn của một chuyên gia, ông cho rằng Việt Nam nên ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành nào trước, ngành nào sau? và vì sao? Xin cảm ơn ông.

Ông Đỗ Mạnh Hồng: Tín hiệu thị trường, năng lực (cả trình độ công nghệ sẵn có, và khả năng tìm kiếm khai thác thị trường) của từng doanh nghiệp mới có thể lựa chọn sản phẩm gì để sản xuất. Chính phủ (định hướng chính sách), cũng như những người nghiên cứu lý thuyết mang tính học thuật như chúng tôi không thể chỉ thay cho các doanh nghiệp được. Công việc của chính phủ là tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh (công khai, bình đẳng) thuận lợi cho mọi đối tượng, không phân biệt sở hữu nhà nước hay tư nhân, nội địa hay nước ngoài.

Ví dụ có những câu hỏi của các bạn về danh mục đầu tư ưu đãi, điều kiện ưu đãi... chính phủ (trung ương và địa phương) cần tạo điều kiện dễ dàng nhất để mọi doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ, hoặc những cá nhân có ý định tham gia hoạt động kinh doanh có thể tiếp cận.Chính sách của chính phủ không nên đặt ra những mục tiêu kiểu như trong vòng 5 hay 10 năm phải phát triển công nghiệp ô tô, phải phát triển công nghiệp đóng tàu... phải nội địa hóa bao nhiêu phần trăm..., vì tất cả những việc này là của doanh nghiệp.

Vấn đề là anh đừng nghĩ trụ cột của một ngành công nghiệp nào đó (như ô tô, đóng tàu...) phải là những công ty gốc gác là sở hữu quốc doanh (nay dưới dạng công ty cổ phần nhà nước nắm cổ phần chi phối), mà có thể là mọi doanh nghiệp tư nhân trong, ngoài nước.

Minh Nguyên: Tại một hội thảo về công nghiệp phụ trợ vừa qua ở Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết hơn 70% doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam là doanh nghiệp chế tạo, đặt trọng điểm vào Việt Nam và coi đây là “cứ điểm thực hiện liên kết sản xuất”, nhưng họ thất vọng vì công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam quá kém. Tôi lại nghĩ rằng, vấn đề của Việt Nam hiện nay là làm sao để trở thành một địa chỉ hấp dẫn để khi các tập đoàn chế tạo nước ngoài đến đây, họ sẽ kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ khác đến theo. Vậy theo ông, Việt Nam có nên thu hút đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, thay vì tự mình phát triển?

Ông Đỗ Mạnh Hồng: Tôi nhất trí với bạn. Theo tôi đánh giá của các doanh nghiệp Nhật không sai, vì họ nói những điều tai nghe mắt thấy. Tuy nhiên, Việt Nam đã có một môi trường công nghiệp SI có sức cạnh tranh, tôi nghĩ sẽ không có đất cho những nhà lắp ráp nước ngoài tới, vì các doanh nghiệp của ta cũng dư sức tổ chức sản xuất lắp ráp.

Sự phát triển SI như tôi đã nói, rất đa dạng và nhiều cấp bậc. Một mình các doanh nghiệp Việt Nam không thể kỳ vọng bao hàm hết. Không những cần thu hút đầu tư đầu tư của các doanh nghiệp SI nước ngoài mà còn cần nói thêm, cần thu hút nhiều loại doanh nghiệp ở nhiều cấp bậc trình độ công nghệ. Nếu chỉ chú trọng các doanh nghiệp Nhật có trình độ công nghệ sản xuất cao, thì khó tạo ra cầu nối liên kết (qua hoạt động sản xuất kinh doanh) với các doanh nghiệp nội địa Việt Nam, vì khoảng cách công nghệ quá lớn. Để lấp khoảng cách trình độ công nghệ giữa các doanh nghiệp Nhật và Việt, cần các doanh nghiệp nước ngoài khác có trình độ công nghệ mức trung gian.

Tôi xin kể qua bài học Trung Quốc. Hiện tại Trung Quốc được đánh giá có một nền SI mạnh, nhưng bạn cần biết họ đã có không chỉ một thời gian chừng 30 năm (kể từ khi Trung Quốc đổi mới chính sách kinh tế từ khoảng năm 1978, du nhập đầu từ nước ngoài từ năm 1979), mà thời kỳ đầu của 30 năm đó, nhiều doanh nghiệp người Hoa ở nước ngoài trở về, các doanh nghiệp ở Hồng Kông (khi đó chưa trả lại đất Trung Quốc) tới đã sản xuất đủ các loại hàng tạp hóa, đồ chơi, và nhiều trong số đó những năm cuối thập kỷ 80 (khi biên giới Việt- Trung ổn định trở lại) đã được nhập khẩu vào Việt Nam. Đồ Trung Quốc từ thời đó đã có tiếng giá rẻ, chất lượng tồi (dù ngày nay hàng Trung Quốc đã có nhiều thay đổi, ngoài những thứ mang đặc trưng cũ, không ít hàng giá cao chất lượng cao).

Giai đoạn tiếp theo thì có các doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc rồi Nhật Bản tới. Cùng một loại sản phẩm bạn có thể thấy nhiều loại doanh nghiệp với trình độ kỹ thuật công nghệ khác nhau cùng tham gia sản xuất, bán cho nhiều loại thị trường. Trong quá trình đó, các doanh nghiệp bậc trung bắt nhịp đuổi dần các doanh nghiệp bậc cao, các doanh nghiệp thấp đuổi kịp dần doanh nghiệp bậc trung, tạo thành một chuỗi. Tất cả quá trình tham nhập của vô số doanh nghiệp, với vô số cấp bậc về trình độ công nghệ đó đã tạo ra nền tảng SI của Trung Quốc ngày nay.

Nguyen Cong Danh: Theo tôi, quy mô thị trường tại Việt Nam quá nhỏ, nên đầu tư vào công nghiệp phụ trợ sẽ không có hiệu quả kinh tế. Ông nghĩ như vậy có đúng không? Nếu đầu tư tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ đâu?

Ông Đỗ Mạnh Hồng: Đúng là hiện tại qui mô thị trường Việt Nam nhỏ. Nhưng trong bối cảnh giao thương quốc tế đã rất thông thoáng, điều kiện tiếp cận và trao đổi thông tin thuận lợi hơn nhiều, thì tại sao bạn lại phải suy nghĩ bó hẹp trong thị trường nội địa.

Vấn đề cơ bản là doanh nghiệp có đủ sức cạnh tranh (làm ra sản phẩm chất lượng, với giá cả hấp dẫn) không. Khi đủ sức xâm nhập thị trường quốc tế, bạn sẽ giữ được cho mình chỗ đứng ở thị trường nội địa trong tương lai.

Đầu tư tại Việt Nam (cũng như tại bất cứ đâu) bạn cần bắt đầu bằng những điểm mạnh của riêng bạn. Tôi không thể đưa ra lời khuyên cụ thể lựa chọn sản phẩm gì để bắt đầu, vì tôi không biết điểm mạnh của bạn. Còn nói về khả năng nói chung, như bạn biết SI (Supporting Industries) tại Việt Nam chưa phát triển, điều đó có nghĩa là còn vô vàn chỗ trống để bạn có thể lựa chọn và bắt đầu.

 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: